Là địa phương có diện tích sầu riêng đứng đầu cả nước, sản lượng dồi dào, tỉnh Đắk Lắk có nhiều điều kiện thuận lợi cũng như cơ hội lớn để tăng giá trị ngành hàng, tăng kim ngạch xuất khẩu khi Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 32.785ha sầu riêng, tăng hơn 10.300ha so với năm 2022; trong đó diện tích cho thu hoạch chiếm 48,35%. Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh khoảng trên 300.000 tấn.

Như vậy, trong tương lai không xa, khi diện tích sầu riêng toàn tỉnh cho thu hoạch, Đắk Lắk sẽ có sản lượng sầu riêng dồi dào để xuất khẩu trái tươi và xuất khẩu đông lạnh, đòi hỏi các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng cần tiếp tục chú trọng và đảm bảo chất lượng sầu riêng.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Minh Công, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm, dù sản phẩm sầu riêng tươi hay sầu riêng đông lạnh thì nguyên liệu phải đạt chất lượng. Do đó, doanh nghiệp, nông dân cần nâng cao kỹ thuật và liên kết 4 nhà để tìm giải pháp nâng cao chất lượng sầu riêng nguyên liệu.

Việc cải thiện chất lượng để xây dựng và duy trì thương hiệu sầu riêng Việt Nam là yêu cầu bắt buộc, yêu cầu hàng đầu đối với ngành hàng hiện nay. Tại Đắk Lắk, cần tiến hành các giải pháp để mùa vụ sầu riêng năm 2025 khắc phục được vấn đề sượng nước và ứng phó được tác động của thời tiết bất lợi nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm sầu riêng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân phải tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu, tập trung vào chất lượng sầu riêng đông lạnh để giữ uy tín và thương hiệu, thay vì chạy đua xuất khẩu theo số lượng.

Các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, tỉnh sẽ nỗ lực nhiều hơn, cùng với cộng đồng doanh nghiệp và nông dân thực hiện, đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc trong Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc đã ký kết.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật biên soạn các tài liệu, văn bản để tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn về các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến Nghị định thư. Đồng thời, tỉnh có các chủ trương thu hút doanh nghiệp uy tín đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu đối với nhóm cây ăn quả chủ lực; trong đó có sầu riêng đông lạnh.

Liên quan đến xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh, theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Hâu, Cựu giảng viên cao cấp, Trường Đại học Cần Thơ, một vấn đề cần giải quyết là vỏ trái sầu riêng. Thông thường, với một trái sầu riêng, tỷ lệ vỏ sầu riêng chiếm 50-60%.

Như vậy, với sản lượng gần 500.000 tấn sầu riêng của vùng Tây Nguyên hiện nay, lượng vỏ chiếm khoảng 300.000 tấn. Do đó, các ngành sản xuất thực phẩm gia súc, phân hữu cơ cần nghiên cứu sử dụng vỏ sầu riêng làm nguyên liệu nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, giải quyết vấn đề rác thải và mang lại hiệu quả kinh tế.

Sầu riêng Đắk Lắk đã và đang được sản xuất rải vụ. Bên cạnh sự quan tâm, định hướng của tỉnh và ngành nông nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực thúc đẩy các dịch vụ đầu vào, xây dựng các chuỗi liên kết trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.

Cùng với những điều kiện thuận lợi tại chỗ, sự chủ động hiện nay của tỉnh, các địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã đang mang lại nhiều tín hiệu lạc quan, sẵn sàng chinh phục mục tiêu là địa phương xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc./.

Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh năm 2024 gần 12.000 ha; trong đó, diện tích kinh doanh ước đạt gần 4.600 ha và tổng sản lượng gần 50.000 tấn.

TPO - Theo Chi cục thuế huyện Krông Pắc, Đắk Lắk trên địa bàn có 111 đơn vị thu mua, kinh doanh sầu riêng, trong đó có 81 doanh nghiệp ngoại tỉnh. Nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh đến xây dựng kho bãi, song để gặp được chủ cơ sở hoặc các thương lái làm việc rất khó khăn.

Hiện nay, Đắk Lắk đang bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Tại huyện Krông Pắc - thủ phủ sầu riêng của Đắk Lắk - có diện tích trồng hơn 7.000 ha sầu riêng, trong đó có hơn 3.000 ha cho thu hoạch.

Năm nay, sản lượng sầu riêng huyện này ước đạt 56.000 tấn. Trước thời điểm thu hoạch có nhiều doanh nghiệp đổ về thu mua, xây dựng cơ sở, kho bãi vi phạm quy định của pháp luật.

Thương lái thu mua sầu riêng tại vườn của nông dân.

Theo Chi cục thuế huyện Krông Pắc, trên địa bàn có 111 đơn vị thu mua, kinh doanh sầu riêng, trong đó có 30 hộ dân địa phương và 81 doanh nghiệp ngoại tỉnh. Nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh đến xây dựng kho bãi, song để gặp được chủ doanh nghiệp hoặc các thương lái làm việc rất khó khăn. Đến nay, Chi cục thuế huyện Krông Pắc đã thu hơn 850 triệu đồng thuế khoán của các hộ kinh doanh sầu riêng và hoạt động xây kho, cho thuê kho tập kết sầu riêng.

Ông Phạm Thanh Long - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra số 2, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk - cho biết, mua bán sầu riêng là hoạt động kinh doanh mang tính thời vụ nên ngay từ đầu vụ thu hoạch, các Chi cục thuế đã phối hợp với chính quyền địa phương thu thập, nắm bắt thông tin về mã vùng trồng, diện tích nhằm quản lý tận gốc sản lượng sầu riêng xuất ra khỏi địa bàn để quản lý chặt chẽ về thuế, không để bỏ sót nguồn thu.

Chi Cục thuế huyện Krông Pắc kiểm tra hoạt động mua bán của thương lái trên địa bàn.

“Hiện nay, cục thuế tập trung lực lượng rà soát, quản lý việc mua bán của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn, ghi nhận về số lượng sầu riêng mua vào, tồn kho, giá bán để quản lý tốt doanh thu. Tuy nhiên, Đắk Lắk là địa phương có vùng trồng sầu riêng rộng, các thương lái thường vào mua trực tiếp tại vườn các hộ dân, trong khi số lượng công chức thuế và phương tiện có hạn nên công tác quản lý thuế sầu riêng gặp nhiều khó khăn”, ông Phạm Thanh Long cho biết thêm.

Để xuất khẩu sầu riêng bền vững, đáp ứng tiêu chí thị trường các nước, ông Vũ Ngọc Huy - Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ Phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn - cho rằng doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu cần phải chú trọng chữ tín mới giữ được chén cơm bền vững. “Việc thu mua, đóng gói, xuất khẩu sầu riêng có lẫn trái non, không đạt chất lượng của một số doanh nghiệp thời gian qua là việc làm chưa có tâm với nghề, vô trách nhiệm với ngành hàng của mình đang kinh doanh", ông Huy bình luận.

Theo ông Huy, các liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân dễ bị bẻ gãy khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chặt mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng kết nối với các Hợp tác xã từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu mua, bao tiêu sản phẩm. Chính quyền địa phương cần ngăn chặn "cò" bất động sản đặt cọc thu mua vườn sầu riêng rồi bán lại cho các doanh nghiệp lớn hơn để hưởng chênh lệch, làm náo loạn thị trường, dẫn đến tranh chấp, ẩu đả, gây thiệt hại cho người nông dân.

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc - cho biết, suốt một thời gian dài, cả hệ thống chính trị huyện này cùng với các doanh nghiệp, người nông dân đã và đang nỗ lực để khẳng định chất lượng, thương hiệu loại trái cây vua này.

Lãnh đạo huyện Krông Pắc đối thoại với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn.

“Tuy nhiên, thời gian qua, có một vài vụ việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn huyện Krông Pắc như doanh nghiệp làm giả giấy ủy quyền để xuất khẩu, bẻ cọc giữa người mua và bán, trà trộn những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, vi phạm quy định về mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói... đây là những hành động cần lên án và chấn chỉnh”, bà Trinh cho biết thêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, để tạo một thương hiệu sầu riêng bền vững thì mỗi cá nhân hay tập thể phải tự tạo cho mình nhãn hiệu. Đã đến lúc, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và nhà quản lý phải liên kết để tạo thành mắt xích bền chặt thì câu chuyện chất lượng quả sầu riêng, xuất khẩu mới lâu bền.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk - cho biết, trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức, hợp tác để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần đi cùng nhau để phát trình triển ngành hàng.